Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024 diễn ra tại thành phố của những kỳ quan Bukhara – từng là điểm quan trọng trên con đường tơ lụa, Cộng hoà Uzbekistan vừa kết thúc với kết quả một đại diện nghệ nhân ngành Thêu May của Việt Nam vinh dự đoạt giải Ba.
Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024 diễn ra tại thành phố của những kỳ quan Bukhara – từng là điểm quan trọng trên con đường tơ lụa, Cộng hoà Uzbekistan vừa kết thúc với kết quả một đại diện nghệ nhân ngành Thêu May của Việt Nam vinh dự đoạt giải Ba.
Liên hoan thu hút nghệ nhân từ 56 quốc gia trên thế giới và các nghệ nhân từ Uzbekistan tham gia (mỗi quốc gia có 2 đại diện) mang sản phẩm tới TP Bukhara trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và trình diễn thời trang.
Một trong hai đại diện của Việt Nam là nghệ nhân, nhà thiết kế Đoan Trang, CEO Thêu May Đoan Trang (2/56 Bạch Đằng, Gia Hội, TP Huế, Thừa Thiên Huế) đến với Liên hoan theo lời mời của ngài Shavkat Mirzioev – Tổng thống Cộng hoà Uzbekistan.
Ban giám khảo Liên hoan đã đánh giá các đại diện ngành thêu và trang sức của mỗi quốc gia tham gia trưng bày, triển lãm, trình diễn tại Liên hoan dựa trên 7 tiêu chí.
“Họ đánh giá cao sự sáng tạo trong sản phẩm của Đoan Trang bởi tôi không chỉ biết thêu bằng tay thủ công mà kết hợp sáng tạo giữa thêu tay và máy, ứng dụng tinh hoa văn hoá dân tộc trong các thiết kế. Ví dụ tôi phục dựng áo của vua, hoàng hậu, biết ứng dụng khéo léo các hoa văn cung đình lên thiết kế trang phục áo dài ngày nay qua bộ sưu tập Hoàng Kim và công ty Thêu May Đoan Trang cũng đang hoạt động tốt”, nghệ nhân, nhà thiết kế Đoan Trang nói.
Qua ba ngày diễn ra liên hoan, đại diện Việt Nam ngành thêu may và trang sức mang các trang phục cung đình và những sản phẩm, tác phẩm áo dài giao lưu, học hỏi được nhiều kỹ thuật mới của các nước trên thế giới. Các đại diện nỗ lực trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sáng tạo, năng động, làm sâu đậm thêm di sản văn hoá dân tộc để tìm những cơ hội mở mang, phát triển.
“Nhiều du khách, những nghệ nhân nhận ra tôi với tà áo dài thiết kế có cờ đỏ sao vàng rất Việt Nam và họ reo hò, xin chụp ảnh cùng”, bà Đoan Trang chia sẻ thêm về hành trình tại Uzbekistan.
Kết quả này là minh chứng cho Huế - Kinh đô áo dài có rất nhiều cơ hội để mang sản phẩm áo dài vào phát triển công nghiệp văn hoá tại thị trường quốc tế. Đồng thời là ghi nhận khách quan cho ngành thêu may Việt Nam bằng thực lực tài hoa của các nghệ nhân, nhà thiết kế có sự độc đáo, riêng biệt để sánh với bất cứ nền văn hoá lớn, ngành thời trang lớn nào trên thế giới.
Theo nghệ nhân, nhà thiết kế Đoan Trang, Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II được tổ chức rất quy mô và hoành tráng. Du khách khắp nơi trên thế giới đã đổ về thành phố di sản Bukhara trong suốt thời gian diễn ra Festival để tham quan, mua sắm. Nghệ nhân các nước được đón tiếp rất chu đáo ngay từ khi bước xuống sân bay với đoàn xe dẫn đường, tặng hoa và nhạc kèn truyền thống.
“Tôi nghĩ cách tổ chức một sự kiện và đón tiếp mỗi vị khách đến với đất nước mình cần được nhìn nhận như họ đều là các đại sứ cho thương hiệu quốc gia cũng như một vị khách đến với doanh nghiệp sẽ là đại sứ cho thương hiệu doanh nghiệp”, NTK Đoan Trang nhấn mạnh sự tôn vinh nghề thêu và trang sức có ý nghĩa quan trọng làm động lực, động viên của nghệ nhân tiếp tục sáng tạo, cống hiến.
Bảo Hoà